L_E_A_D_E_R_S_H_I_P
1. Ifluence- Khả năng tạo sức ảnh hưởng tới nhân viên
Khả năng thúc đẩy và truyền cảm hứng cho người khác hành động là yếu tố phân biệt giữa người lãnh đạo và người quản lý. Những nhà lãnh đạo tốt nhất là những người có thể ảnh hưởng đến sự lên, xuống của toàn tổ chức, tác động đến kết quả kinh doanh bằng cách thúc đẩy thay đổi hành vi của chính nhân viên của mình, từ đó thể hiện sự lãnh đạo.
Trọng tâm của khả năng tạo ảnh hưởng là đạt được sự sẵn sàng hợp tác thay vì chỉ tuân thủ. Sức ảnh hưởng đó còn để lại dấu ấn cả trong cảm giác lẫn suy nghĩ của người thực hiện, thúc đẩy họ nỗ lực hoàn thành, phấn đấu vì tập thể, vì mục tiêu chung dài hạn của doanh nghiệp.
Để tạo nên sự ảnh hưởng tới nhân viên, trước hết người lãnh đạo phải là người dẫn dắt và truyền cảm hứng cho họ bằng sự đam mê và nhiệt thành với công việc, tạo dựng niềm tin với nhân viên bằng sự nhất quán trong lời nói và hành động của bản thân, biết lắng nghe, thấu hiểu và gắn kết khối nhân viên, đồng thời biết trao đi cơ hội và quyền lực cho nhân viên khi cần để thu phục niềm tin, sự trung thành và cơ hội phát triển cho chính họ.
2. Teamwork – Kỹ năng làm việc nhóm hiệu quả
“Teamwork” (làm việc theo nhóm) là một từ ghép, kết hợp giữa “team”(đội, nhóm) và “work” (công việc, nhiệm vụ). Hình thức nhóm là sự tập hợp của nhiều cá nhân khác nhau để thực hiện giải quyết một vấn đề. Mỗi người trong nhóm đều là một mắt xích quan trọng trong chuỗi và họ có kỹ năng, kinh nghiệm và tính cách, quan điểm khác biệt. Đó là lý do kỹ năng làm việc nhóm của người quản lý luôn được đòi hỏi phát triển.
Trước khi bắt tay vào bất kỳ hoạt động xây dựng nhóm hoặc thiết lập các cuộc họp nhóm nào, các nhà lãnh đạo phải tự đặt ra một câu hỏi: Tôi đang quản lý một nhóm các cá nhân có hiệu suất cao, hay là một nhóm có hiệu suất cao? Việc đặt mục tiêu chung của nhóm là trọng tâm của quá trình, phối hợp và tận dụng tài năng của các thành viên sẽ là chìa khóa tạo nên thành công của hoạt động nhóm.
Muốn dẫn dắt một tập thể hiệu quả, nhà lãnh đạo luôn cần coi mình như một phần của tập thể, biết lắng nghe, tập hợp, phân tích, khích lệ ý kiến của nhân viên. Bởi mỗi cá nhân trong nhóm đều có những điểm mạnh riêng, nhưng mỗi người đều bị giới hạn theo một cách nào đó mà người khác không có.
3. Communication – Kỹ năng giao tiếp cần có của nhà lãnh đạo
Giao tiếp là một quá trình trao đổi thông điệp bằng lời nói và không bằng lời nói và là một quá trình hai chiều liên tục. Một điều kiện tiên quyết trong giao tiếp là một thông điệp được truyền tải qua một số phương tiện đến người nhận – giọng nói, ngôn ngữ cơ thể, email, bài thuyết trình hoặc áp phích…Do đó, với vai trò dẫn dắt và định hướng, truyền cảm hứng tới tập thể, đồng thời là tiếng nói đại diện của doanh nghiệp với đối tác, cơ quan nhà nước, người lãnh đạo cần sử dụng phương thức giao tiếp linh hoạt và hiệu quả.
Kỹ năng giao tiếp không tự nhiên hình thành mà chỉ có được khi trải qua sự trau dồi luyện tập, kết hợp các cách thức, phương thức phù hợp. Bên cạnh việc sử dụng giao tiếp chính thông qua lời nói, nhà lãnh đạo cũng luôn cần chú ý nhiều hơn đến những hành động và tín hiệu phi ngôn ngữ đi kèm để tăng hiệu quả truyền đạt và tạo sự đáng tin cậy hơn. Đồng thời luôn dành thời gian lắng nghe tích cực, đón nhận bình tĩnh và nhẹ nhàng những ý kiến, quan điểm khác biệt từ phía nhân viên, dành nhiều thời gian hơn để trò chuyện, thấu hiểu về hoàn cảnh để từ đó tự đánh giá, trau dồi và hoàn thiện kỹ năng giao tiếp của bản thân.
Khi thực hiện tốt kỹ năng giao tiếp hiệu quả, nhà lãnh đạo không chỉ truyền tải được mục tiêu và tầm nhìn doanh nghiệp, truyền cảm hứng, thúc đẩy kỷ luật, hiệu suất làm việc của nhân viên mà còn không ngừng nâng cao vị thế bản thân và tập thể doanh nghiệp.
3. Decision- Kỹ năng ra quyết định cốt lõi trong lãnh đạo
Với vai trò là người lãnh đạo, việc tự chủ trong các quyết định để chỉ đạo và hướng dẫn mọi thứ đi theo đúng kế hoạch đã định là một kỹ năng rất quan trọng và tác động mấu chốt tới hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp.
Thông thường, ra quyết định được hiểu là sự lựa chọn một giải pháp tốt nhất hoặc hợp lý nhất cho vấn đề đã xác định. Và kỹ năng ra quyết định là một loạt các kết luận và hoạt động của bản thân để đưa ra một quyết định đảm bảo đạt được một kết quả hợp lý nhất theo mong muốn của bản thân.
Chất lượng và kết quả của quyết định có khả năng ảnh hưởng tích cực hoặc tiêu cực đến nhân viên và doanh nghiệp. Đó là một kỹ năng được hình thành chủ yếu trong quá trình học tập, làm việc, tích lũy kinh nghiệm về nhiều lĩnh vực. Cùng với kiến thức và thái độ, kỹ năng là một trụ cột cấu thành của năng lực. Khả năng này có thể học được, hoặc phát triển được thông qua đào tạo hay tự trải nghiệm.
Ba yếu tố cốt yếu thường được xem xét kỹ lưỡng trong việc ra quyết định của nhà lãnh đạo bao gồm:
- Kiến thức chuyên môn sâu rộng để lập kế hoạch, phân tích chi tiết thông tin và định hướng các tình huống xảy ra;
- Khả năng tư duy để phân tích, xét đoán, đánh giá cốt yếu vấn đề và đưa ra phương thức xử lý linh hoạt;
- Sự lắng nghe tích cực từ nhân viên và hoàn thiện từ những thất bại.
Những phẩm chất trên cần thiết và rất quan trọng trong việc ra quyết định hiệu quả, từ đó giúp nhà lãnh đạo tự tin, đưa ra được các quyết định đúng đắn thậm chí trong những tình huống hiểm nghèo mà người bình thường khó có thể làm nổi.
4. Management – Kỹ năng quản lý
Quản lý là sự tác động liên tục có tổ chức, có định hướng, có kế hoạch của chủ thể quản lý đến đối tượng quản lý để điều khiển, liên kết các chủ thể tham gia vào hoạt động thành một chỉnh thể thống nhất, nhằm đạt đến mục tiêu chung. Với vai trò là đại diện và dẫn dắt doanh nghiệp phát triển, nhà lãnh đạo luôn cần thực hiện liên tục công tác quản lý và phát triển các kỹ năng quản lý của mình.
Các kỹ năng quản lý rất đa dạng và đặc thù tùy theo tính chất lĩnh vực hoạt động và môi trường phát triển, tuy nhiên có thể phân loại thành bốn loại kỹ năng quản lý chính: kỹ năng tổ chức, kỹ năng lập kế hoạch và chiến lược, kỹ năng giao tiếp và kỹ năng quản lý con người.
- Kỹ năng tổ chức: để cân bằng nhiều nhiệm vụ cùng một lúc và đảm bảo các yếu tố thời gian, chất lượng và hiệu quả, nhà lãnh đạo cần có định hướng phân công, sắp xếp theo quy trình cụ thể.
- Kỹ năng lập kế hoạch và chiến lược: để thiết lập mục tiêu và xác định các bước tiến hành quả nhất để đáp ứng mục tiêu, dự đoán, phân tích các tình huống bất ngờ.
- Kỹ năng giao tiếp: là kỹ năng quan trọng để người lãnh đạo dẫn dắt và truyền tải được mục tiêu và nhu cầu của doanh nghiệp, truyền đạt và kết nối với nhân viên hiệu quả.
- Kỹ năng lãnh đạo con người: để thấu hiểu, phát huy và tận dụng tài năng của nguồn nhân lực phát triển cho doanh nghiệp, qua đó liên kết hình thành khối nhân lực vững chắc cho tương lai
5. Contribution – Tinh thần cống hiến
Thái độ và cách cư xử của lãnh đạo tạo nên tình thần chung của cả tổ chức. Mọi người sẽ dõi theo những gì bạn nói và làm. Người lãnh đạo chính là hình mẫu lý tưởng, người truyền cảm hứng, nhiệt huyết làm việc đến đội ngũ nhân viên của mình.
Làm việc vì đam mê chính là bí quyết khiến nhân viên cống hiến hết mình cho công việc đang làm và mang lại thành quả chung cho tập thể. Phần lớn những người đi làm khó tìm được đam mê trong chính công việc của mình. Lúc này, người lãnh đạo cần xác định rõ vai trò nhiệm vụ của họ đồng thời cùng họ tìm ra ý nghĩa trong công việc đang làm. Đòi hỏi người lãnh đạo phải nắm được điểm mạnh, điểm yếu của từng nhân viên. Giao đúng việc cho đúng đúng, tạo cơ hội phát triển kỹ năng đúng với lợi thế. Kết quả công việc đó mang tới mức lương xứng đáng và nhiều điều tốt đẹp cho nhiều khách hàng hay tập thể, sẽ giúp họ nhận ra giá trị nhân văn, ý nghĩa về nội dung và vị trí mình đang đảm nhận.
Cuối cùng, nhà lãnh đạo hãy giúp nhân viên cân bằng giữa cuộc sống cá nhân và công việc, bằng cách cung cấp những lợi ích giúp nhân viên dễ dàng quan tâm tới bản thân, sẽ giúp họ thể hiện tốt hơn trong mọi khía cạnh, cả công việc lẫn cuộc sống cá nhân.
6. Vision – Tầm nhìn chiến lược
Nếu Lãnh đạo như là vị Thuyền trưởng đang chèo lái con tàu doanh nghiệp của mình vượt qua biển lớn thì tầm nhìn là CHIẾC LA BÀN dẫn lối cho đội ngũ nhân viên.
Hiểu rõ mục tiêu cần đạt được, xác định và định hướng chiến lược của công ty. Đây là yếu tố vô cùng quan trọng. Lãnh đạo cần có cái nhìn khách quan, đánh giá đầy đủ về tình hình hiện tại của công ty và thực hiện những bước đi quyết đoán theo thứ tự ưu tiên. Trong quá trình thực hiện, nhà lãnh đạo cần nhìn lại và cân nhắc về những quyết định của mình, hoạt động nào là cần thiết, hoạt động nào lẽ ra nên thuê ngoài. Xác định chi tiết đích đến trong một khoảng thời gian nhất định, lên kế hoạch cụ thể về những việc cần làm để đạt được tương lai lý tưởng như mô tả. Mỗi khi nghĩ ra một nhiệm vụ mới, hãy bổ sung nhiệm vụ đó vào danh sách. Xác định trở ngại, những ràng buộc và hạn chế cản trở bạn tạo nên công ty lý tưởng như kế hoạch chiến lược. Cần làm gì để khắc phục chúng?. Luôn luôn học hỏi, bổ sung kiến thức, mở rộng nguồn lực để đạt được mục tiêu chiến lược đó.
Tin tưởng vào chính bản thân mình, kiên định trong mọi quyết định. Nhà lãnh đạo có tầm nhìn xa đúng hướng, sẽ truyền được cảm hứng và đưa ra những lời khuyên hữu ích nhất cho đội ngũ nhân viên của mình. Xây dựng tinh thần gắn bó lâu dài, đồng hành cùng lãnh đạo tiến đến thành công chung của công ty.
7. Ethic – Đạo đức của một nhà lãnh đạo
Nhà lãnh đạo cần hiểu được giá trị của mình và tổ chức, là người trực tiếp truyền cảm hứng cho nhân viên làm theo họ. Do đó, nhà lãnh đạo cần làm những việc làm đúng đắn, đúng với nguyên tắc đạo đức đã được đề ra trong doanh nghiệp và trong việc đưa ra các quyết định hàng ngày.
Việc lãnh đạo và giá trị đạo đạo đức cần song hành với nhau trong chiến lược phát triển đội ngũ. Dựa vào tiêu chí phát triển chung, mỗi công ty sẽ luôn có những quy định rõ ràng, phương thức hành động cụ thể. Tuy nhiên, giá trị cá nhân là một trong những yếu tố quyết định của một nhà lãnh đạo, tạo nên thương hiệu cá nhân nhà lãnh đạo. Trường hợp, tồn tại những quy định không cùng quan điểm đạo đức cá nhân bạn là điều khó tránh, nhiệm vụ nhà lãnh đạo cần cân bằng điều này thông qua những đánh giá công bằng khách quan. Nhà lãnh đạo cần làm những việc “đúng người – đúng thời điểm”. Thưởng phạt phân minh, hãy thiết lập phần thưởng cho nhân viên luôn làm tốt công việc theo giá trị cốt lõi của công ty và có những hình phạt của mình với những đối tượng không trung thực, không tuân theo những giá trị doanh nghiệp. Tạo dựng tiếng nói chung giữa bạn và nhân viên cùng hướng đến giá trị cốt lõi của công ty, luôn tiên phong trong mọi hành động.
Một nhà lãnh đạo có tinh thần làm việc theo đạo đức sẽ giúp bạn tin tưởng vào giá trị bản thân. Hình thành ý thức nhìn nhận, đánh giá sự việc một cách khách quan logic về tình hình hiện tại và luôn thận trọng trong hình vi, cư xử của mình trong việc thực hiện hành động.
8. Motivation – Khả năng tạo động lực cho nhân viên
Bản chất của lãnh đạo là một người có khả năng tạo ảnh hưởng với tất cả mọi người. Họ hiểu rõ mỗi nhân viên là một tế bào của doanh nghiệp, quyết định sự thành công của doanh nghiệp đó. Động lực là sức mạnh dẫn đến thành công trong kinh doanh và công việc. Đặc biệt, đối với nhà lãnh đạo không chỉ phải giữ được động lực cho bản thân mà còn cần biết cách truyền và tạo động lực cho nhân viên của mình.
Đâu là yếu tố tạo nên động lực ở mọi người, điều gì sẽ khiến nhân viên nỗ lực hết sức?
Sau đây là một số yếu tố động lực chủ yếu nhà Lãnh đạo cần mang đến cho nhân viên của mình:
Thứ nhất là mang đến một công việc nhiều thử thách và thú vị. Tạo cho nhân viên lý do để có động lực, giao cho họ một công việc giúp củng cố sức mạnh và đưa họ bước ra khỏi vùng an toàn và phát triển hơn nữa.
Thứ hai là giao tiếp cởi mở. Nhà lãnh đạo không thể đơn thuần giao việc và phớt lờ, không giải thích lý do cụ thể về công việc đó. Mỗi người sẽ luôn có cảm hứng và động lực làm việc nếu họ hiểu rõ những việc mình làm có ý nghĩa như thế nào với bức tranh tổng thể của toàn công ty.
Thứ ba là Tinh thần trách nhiệm và trách nhiệm giải trình. Việc này cũng giúp tạo dựng sự tự tin và lòng tự tôn ở họ. Họ sẽ luôn cố gắng hoàn thành nhiệm vụ để xây dựng hình ảnh cá nhân của mình.
Thứ tư là sự phát triển cá nhân và cơ hội thăng tiến. Nhân viên cảm thấy họ có nhiều tiến bộ hoặc học hỏi được những điều mới mẻ và hấp dẫn, họ sẽ có thêm nhiều động lực để nỗ lực hết sức với công việc.
Hai yếu tố tạo động lực hoặc truyền cảm hứng cuối cùng là tiền bạc và điều kiện làm việc.
9. Responsibility- Sự chịu trách nhiệm
Một nhà lãnh đạo có trách nhiệm gánh vác nhiều trọng trách quan trọng và chịu trách nhiệm cho mọi thứ xảy ra trong tổ chức của mình, dù tốt hay xấu.
Trách nhiệm về tầm nhìn chiến lược
Lãnh đạo cần xác định, định hướng chiến lược cho các mục tiêu chung của công ty. Mô tả các tầm nhìn một cách rõ ràng, thể hiện rằng quyết định này rất quan trọng. Giúp nhân viên của họ hiểu rõ về sức ảnh hưởng và trách nhiệm của mình trong định hướng đó.
Chuẩn bị sẵn sàng về nguồn lực
Không chỉ ổn định về nguồn nhân lực, nhà lãnh đạo phải có kinh nghiệm trong việc phân bổ ngân sách. Cần cân bằng giữa các nguồn lực, luôn sẵn sàng đưa ra đưa ra quyết định phù hợp thông qua những hiểu biết sâu sắc các vấn để, cũng như hiểu rõ tầm nhìn chiến lược. Chọn đúng người giao việc đúng vị trí.
Xây dựng văn hóa doanh nghiệp
Văn hóa doanh nghiệp thể hiện rõ tâm và tầm của người lãnh đạo vì nó tác động đến toàn bộ trải nghiệm của nhân viên cũng như khách hàng. Do đó, lãnh đạo cần quan sát và xây dựng nền văn hóa tạo cho nhân viên cảm giác an toàn và được tôn trọng. Đảm bảo áp dụng thống nhất từ dưới lên trên, tại tất cả các phòng ban.
Đưa ra quyết định đúng đắn kịp thời
Không phải là chuyên gia về mọi lĩnh vực trong doanh nghiệp nhưng các lãnh đạo là người có trọng trách đưa ra quyết định. Đòi hỏi tính khả thi, chính xác cao. Bởi, lãnh đạo là người chịu trách nhiệm cuối cùng cho mọi kết quả dù có nhân viên nhận hay chối bỏ trách nhiệm.
Giám sát và mang lại hiệu suất
Lãnh đạo cần có kiến thức sâu, rộng về thị trường và các chức năng kinh doanh chủ yếu trong công ty để thành công trong vai trò kiểm soát các hoạt động, chịu trách nhiệm cuối cùng cho hiệu suất của công ty. Nắm chắc kỳ vọng của đối tác và truyền tải lại cho đội ngũ, đề ra các cấp độ mục tiêu để thúc đẩy sự kết nối giữa hoạt động nội bộ và các đối tác bên ngoài.