Xây dựng thương hiệu cá nhân
Xây dựng thương hiệu cá nhân trong Kỷ nguyên số 4.0 (Phần 1)
Trong kỳ nguyên số 4.0, Internet phủ sóng mạnh mẽ và chi phối rất lớn tới các hoạt động kết nối, giao thương, phát triển cá nhân, phát triển doanh nghiệp không chỉ gói gọn trong phạm vi tỉnh thành, quốc gia mà đã vươn tới tầm quốc tế. Tuy nhiên, điều này cũng đưa đến một hệ quả về sức ép cạnh tranh, khiến không ít doanh nghiệp và cá nhân phải thay đổi, cập nhật và đi trước đón đầu những xu thế phát triển mới. Và việc xây dựng thương hiệu cá nhân chính là một ví dụ điển hình.
-
Thương hiệu cá nhân là gì?
Theo Hiệp hội Marketing Hoa Kỳ, “thương hiệu” là một cái tên, một từ ngữ, một dấu hiệu, một biểu tượng, một hình vẽ hay tổng thể các yếu tố trên, nhằm xác định một sản phẩm hay một dịch vụ của một (hay một nhóm) sản phẩm, hay dịch vụ của một (một nhóm) người bán và phân biệt các sản phẩm (dịch vụ) đó với các đối thủ cạnh tranh.
Thương hiệu cá nhân, còn gọi là nhân hiệu, có thể nói ngắn gọn là những ấn tượng tốt đẹp mà bạn gầy dựng trong tâm trí người khác, là tất cả những gì bạn làm để thể hiện năng lực và các giá trị của bản thân: “Tôi là ai, tôi làm được gì và tôi khác biệt như thế nào”.
Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới cũng cho rằng, thương hiệu là một dấu hiệu (hữu hình và vô hình), đặc biệt để nhận biết một sản phẩm hàng hóa hoặc một dịch vụ nào đó được sản xuất hay được cung cấp bởi một cá nhân hoặc một tổ chức. Đối với doanh nghiệp, thương hiệu là khái niệm trong người tiêu dùng về sản phẩm, dịch vụ với dấu hiệu của doanh nghiệp gắn lên bề mặt sản phẩm dịch vụ nhằm khẳng định chất lượng và xuất xứ. Thương hiệu hiện nay là một tài sản vô hình quan trọng đối với các doanh nghiệp lớn và chiếm một phần đáng kể trong tổng giá trị của doanh nghiệp.
Trong xã hội hiện đại, THCN rất quan trọng, bởi một câu nói của người nổi tiếng (có nhân hiệu mạnh) đã có thể làm khuynh đảo tăng/giảm giá cổ phiếu chứng khoán của một tập đoàn lớn. Thậm chí, đã có DN startup được định giá cả tỷ USD, vì sở hữu một cá nhân có thương hiệu. Điển hình như trường hợp cầu thủ bóng đá Cristian Ronaldo chuyển nhượng sang câu lạc bộ Juventus, đã giúp giá cổ phiếu của câu lạc bộ này tăng lên 30% và lượng người hâm mộ theo đó cũng tăng lên đáng kể, vì riêng cầu thủ Ronaldo đã có khoảng 100 triệu người theo dõi trên Instagram. Tương tự, trường hợp nữ tỷ phú tư nhân Kylie Jenner – người có hơn 100 triệu lượt theo dõi trên Instagram, đã mở một hãng mỹ phẩm mang tên cô và có doanh số bán hàng từ chính Instagram của cô lên tới hàng trăm triệu USD/năm.
2. Tại sao cần xây dựng thương hiệu cá nhân?
Tạo dựng thương hiệu cá nhân chuyên nghiệp là điều cốt yếu mang đến thành công trong sự nghiệp cũng như các mục tiêu khác trong cuộc sống mỗi người. Riêng với doanh nhân, thương hiệu cá nhân mạnh còn là yếu tố cần thiết để phát triển doanh nghiệp thành công.
Xây dựng thương hiệu cá nhân hay còn gọi là xây dựng nhân hiệu. Có thể hiểu chính xác là việc bạn quản trị hình ảnh bản thân trong mắt những người khác. Lý do bạn cần xây dựng thương hiệu cá nhân phụ thuộc vào mục đích truyền thông của bạn. Đặc biệt với những cá nhân hoạt động về kinh doanh, thương mại. Lý giải điều này bởi thế giới ảo Internet luôn tiềm ẩn những nguy cơ, những nghi ngờ, khách hàng rất khó ra quyết định mua hàng nếu họ không biết rõ chủ nhân, xuất xứ của của sản phẩm.
Không đơn thuần chỉ thể hiện qua hình ảnh bên ngoài, mà điều này còn là cách bạn tự nhận thức về các giá trị cốt lõi, ưu – nhược điểm, năng lực của chính mình. Nó giúp bạn kiến tạo nên sự khác biệt, và đại diện cho những gì bạn mong muốn chia sẻ ra cộng đồng. Đây là thứ duy nhất không ai có thể lấy đi từ bạn và mang lại lợi ích kéo dài xuyên suốt sự nghiệp của bạn.
- Truyền tải hình ảnh, thông điệp và giá trị con người bạn
- Kết nối, chia sẻ cùng những người có cùng định hướng, mục tiêu hay sở thích
- Làm phong phú kinh nghiệm bản thân, định hình và hoàn thiện bản thân hơn
- Khám phá bản thân và tạo ra những giá trị khác biệt
- Tạo ra giao dịch và các mối quan hệ
- Dễ dàng phát triển và mở rộng công việc
3. Những điều cần lưu ý để xây dựng thương hiệu cá nhân hiệu quả
Thứ nhất, định vị đúng mục tiêu khi xây dựng thương hiệu cá nhân
Định vị THCN là bước quan trọng đầu tiên trong quá trình xây dựng thương hiệu. Mỗi cá nhân không thể xây dựng và duy trì thương hiệu một cách nhất thời, càng không phải chỉ cần một tố chất bình thường khi có, khi không. Tóm lại, THCN là một “thứ vàng được thử trong lửa” – chỉ khi được tôi rèn mới trở nên nổi bật. Theo P. Kotler, khi định vị thương hiệu, cá nhân sẽ xác định những tố chất có thể khiến mình nổi bật để luôn là lựa chọn đầu tiên khi người khác nghĩ đến lĩnh vực đó. Như vậy, có thể hiểu rằng, con người nói chung, hoặc một cá nhân cụ thể là một loại hàng hóa đặc biệt, cho nên khi xác định và định vị thương hiệu, các cá nhân cần phải trả lời các câu hỏi sau: Bạn muốn trở thành ai? Là người như thế nào? Cảm xúc của người khác nghĩ về bạn ra sao? Bạn sẽ khai thác thương hiệu cá nhân của mình vào mục đích gì…? Để trả lời các câu hỏi trên, mỗi cá nhân cần xác định mình có tài năng gì, hoặc thích công việc gì, lĩnh vực gì cụ thể và cá nhân đó muốn làm gì trong ngắn hạn và dài hạn… Sau này sẽ khai thác nhân hiệu này vào mục đích kinh doanh hay bán hàng cho đối tượng khách hàng nào? Sản phẩm gì? Mức giá bao nhiêu? Cách thức khai thác cụ thể? Trả lời được tất cả những câu hỏi trên, mỗi cá nhân sẽ định vị được thương hiệu cho mình, hoặc cho người khác.
Định vị đúng THCN giống như tìm được một chiếc la bàn chỉ đường dẫn lối để có thể đi nhanh và dễ dàng hơn trong quá trình xây dựng thương hiệu.
Thứ hai, thông tin rõ ràng
Hồ sơ cá nhân phải thật hoàn chỉnh với những miêu tả ngắn ngọn, súc tích về cá tính, năng lực và thông điệp của bạn. Hồ sơ này nên được chia sẻ qua tất cả các kênh có thể, như Facebook cá nhân, trang web cá nhân, hồ sơ công việc tại LinkedIn, thậm chí là những đoạn giới thiệu bản thân trên Twitter hay Youtube.
Ngoài các kênh mạng xã hội, thương hiệu của bạn cũng cần được “truyền tải” một cách sống động trong các giao tiếp trực tiếp. Vì thế, cần chuẩn bị sẵn một “bản tóm tắt” ngắn gọn nhưng đầy đủ thông tin, cũng như chuẩn bị trước thông điệp của bạn trước mỗi cuộc gặp. Bằng cách này, khi ai đó tìm hiểu và bắt đầu tiếp xúc với bạn, họ có thể phần nào nắm bắt được ngay lập tức bạn là ai, bạn đại diện cho điều gì.
Thứ ba, nhất quán trong các thông điệp truyền tải
Bạn cần thống nhất trong thông điệp truyền tải, thống nhất giữa nói và làm, thống nhất giữa truyền thông và thực tế. Sao cho, những gì bạn nói ra, công việc bạn làm, sản phẩm bạn tiêu thụ, nơi bạn trải nghiệm, các mối quan hệ của bạn trong xã hội… đều gợi lên sự liên tưởng về bạn. Chỉ cần có một thông điệp hoặc hình ảnh đối lập thì hình ảnh tổng thể sẽ bị “đánh đổ”.
Trong xã hội hiện tại, khi năng lực cá nhân và phong cách sống được yêu cầu phải luôn đồng hành thì tính nhất quán là một trong những cốt yếu cần có.
Thứ tư, trung thực trong việc chia sẻ thông tin
Trong thời đại của thế giới phẳng, bất kỳ vấn đề gì cũng có thể dễ dàng được xác minh. Do vậy nền tảng quan trọng nhất trong xây dựng thương hiệu cá nhân chính là sự thật.
Đừng “thần thánh hóa” những hình ảnh đẹp của mình, cũng đừng cố chứng tỏ mình bằng những từ ngữ đao to búa lớn. Thay vào đó cứ thể hiện tinh thần là chính mình, hành động đúng với năng lực và tính cánh của chính bạn.
Thứ năm, kiên trì trong quá trình xây dựng thương hiệu cá nhân
Thương hiệu cá nhân phải được xây dựng bằng năng lực thực sự của bạn trong suốt một quá trình chứ không phải được tạo ra một cách nhất thời kiểu “hiện tượng”.
Nhân hiệu được tạo dựng bằng scandal không những sẽ nhanh chóng đi vào lãng quên mà rất có thể còn gây tác dụng ngược, theo chiều hướng tiêu cực và xấu đi.
Thứ sáu, tập trung nhấn mạnh những đặc điểm khác biệt của bản thân.
Trong một xã hội nhiều nhân tài, chúng ta khó lòng trở thành người duy nhất trong bất kỳ lĩnh vực nào, lại càng khó hơn khi ta cố gắng để giống một hình mẫu nào đó. Trên thực tế, chúng ta có thể sao chép phong cách hay bề ngoài và cả giọng điệu của một người, nhưng bạn vẫn là bạn và họ vẫn là họ, bởi bạn không thể sao chép tính cách và sự thật bên trong con người của họ.
Mỗi cá thể đều có những điểm khác biệt. Điều quan trọng là bạn biết cách nhấn điểm khác biệt của bản thân. Barack Obama chính là một minh chứng khác biệt tuyệt vời cho “Giấc mơ Mỹ”. Sự khác biệt là ông không được sinh ra trong một gia đình danh gia vọng tộc, nhưng bằng những nỗ lực của mình, ông đã truyền cảm hứng, thuyết phục được không chỉ người dân Mỹ mà còn cả thế giới ủng hộ, để trở thành vị Tổng thống da màu đầu tiên trong lịch sử nước Mỹ.
Xây dựng thương hiệu cá nhân trong Kỷ nguyên số 4.0 (Phần 2)
1. Phân tích Swot về xây dựng thương hiệu cá nhân
Trong quá trình xây dựng kế hoạch, chiến lược kinh doanh, phân tích SWOT đóng vai trò căn bản và hiệu quả, yếu tố quyết định tới sự thành công của mỗi DN. Mô hình phân tích SWOT là công cụ được sử dụng phổ biến nhằm phân tích và làm rõ những điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội, cũng như nhận diện các nguy cơ trong một dự án, hoặc tổ chức kinh doanh. Thông qua phân tích SWOT, DN sẽ thấy rõ hơn mục tiêu của mình, cũng như các yếu tố trong và ngoài tổ chức có thể ảnh hưởng tích cực, tiêu cực tới mục tiêu mà DN đề ra.
Phân tích SWOT giúp mang lại cái nhìn sâu sắc về một tổ chức, dự án, hay một hoàn cảnh, do đó phương pháp này đặc biệt hữu ích trong việc ra quyết định, hoạch định chiến lược và thiết lập kế hoạch.
SWOT thường được trình bày dưới dạng một ma trận gồm 2 hàng 2 cột và chia làm 4 phần. Mỗi phần tương ứng với những điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và nguy cơ. Từ hình mô hình phân tích SWOT có thể thấy rằng:
Điểm mạnh: Chính là lợi thế của riêng của cá nhân, dự án, sản phẩm… đang theo đuổi. Đây là những đặc điểm nổi trội, độc đáo mà cá nhân đang nắm giữ khi so sánh với đối thủ cạnh tranh. Một vài lĩnh vực giúp cá nhân có thể tìm ra điểm mạnh của mình, bao gồm: Nguồn lực, tài sản, con người; kinh nghiệm, kiến thức, dữ liệu; tài chính; marketing; cải tiến; giá cả, chất lượng sản phẩm; chứng nhận, công nhận; quy trình, hệ thống kỹ thuật; kế thừa, văn hóa, quản trị…
Điểm yếu: Nói một cách dễ hiểu nhất, điểm yếu chính là những việc cá nhân làm chưa tốt hoặc không thể làm, không biết làm. Nghĩa là, những vấn đề đang tồn tại bên trong con người đang cản trở cá nhân trên con đường đạt được mục tiêu. Khi nhìn thẳng vào sự thật, nhận ra những giới hạn của mình, cá nhân sẽ trả lời được câu hỏi đâu là điểm yếu? để từ đó tìm ra giải pháp vượt qua.
Cơ hội: Trong quá trình xây dựng thương hiệu, có rất nhiều yếu tố bên ngoài tác động giúp cá nhân định vị hiệu quả THCN, đó là: Sự phát triển, nở rộ của thị trường; đối thủ đang tỏ ra chậm chạp, yếu kém; xu hướng công nghệ thay đổi; xu hướng toàn cầu; hợp đồng, đối tác, chủ đầu tư; mùa, thời tiết; chính sách, luật…
Nguy cơ: Yếu tố gây khó khăn lớn nhất đối với mỗi cá nhân trên con đường đi đến thành công chính là nguy cơ. Nhằm hạn chế những nguy cơ gặp phải trong tương lai, các cá nhân cần nhận diện sớm các nguy cơ. Sau khi tìm ra nguy cơ, cần đề ra các phương án giải quyết; nhanh chóng vạch ra và triển khai những cách khả thi để giảm bớt độ nghiêm trọng, hoặc né tránh (nếu được) những nguy cơ…
2. Tiến hành xây dựng thương hiệu cá nhân hiệu quả
Thứ nhất, Định vị bản thân:
Kỷ năng của bạn: Năng lực, học vấn, kinh nghiệm chuyên môn.
– Sự đam mê: Đam mê, nhiệt huyết, cá tính là mấu chốt tạo nên thương hiệu mạnh
– Thế mạnh bản thân: Xác định thế mạnh, điểm riêng khác biệt dể tạo sự thành công.
Thứ hai, Định vị bản thân trong xã hội:
Thứ ba, Mối quan hệ cá nhân: Bạn bè nói gì về bạn.
– Mối quan hệ công việc: Đồng nghiệp khách hàng nói gì về bạn.
– Sự nổi tiếng online: Bạn có được tìm kiếm nhiều Online.
Thứ tư, Mục tiêu, tầm nhìn muốn đạt được:
Lĩnh vực kinh doanh: Tạo được sản phẩm, dịch vụ của riêng bạn.
– Thị trường của bạn: Chọn chính xác thị trường mục tiêu của bạn.
– Phong cách của bạn: Hoặc định truyền thông một cách rỏ ràng và nhanh chóng.
Thứ năm, Kiến tạo thương hiệu:
Đặt tên và sáng tạo Slogan thể hiện chính xác về bạn đảm bảo yếu tố đơn giản dễ nhớ.
– Chọn màu sắc, thiết kế logo, thiết kế thương hiệu thể hiện chính xác con người bạn.
– Tạo ra câu chuyện thương hiệu chính bạn.
Thứ sáu, Tạo dựng hệ sinh thái của riêng bạn:
“Căn nhà” của bạn: Tạo Blog là nơi trung tâm để bạn có thể kết nối truyền thông với mọi người.
– “Công viên” của bạn: Sử dụng Mạng xã hội chia sẽ và kết nối.
– “Nhà hát và câu lặc bộ”: Sử dụng kênh truyền thông xã hội chia sẽ nội dung của bạn.
Thứ bảy, Tạo dựng mối quan hệ:
– Người ảnh hưởng: Hãy đi theo các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực của bạn để học hỏi và tạo mối quan hệ.
– Cộng đồng: Chủ động tham gia cộng đồng trong lĩnh vực của bạn
– Offline: Tham gia các sự kiện Offline trong lĩnh vực của bạn.
Thứ tám, Xây dựng nội dung cốt lõi:
Blog: Đăng cái bài viết hay và cập nhật thường xuyên.
– Kênh truyền thông xã hội: Tạo và chia sẽ các nội dung để tạo hiệu ứng lan truyền trên mạng.
– Mạng xã hội: Thay đổi cách viết của bạn tùy theo mạng xã hội
Thứ chín, Tạo dựng, kết nối và chia sẻ:
Đối thoại: Tham gia đối thoại với các thành viên trên mạng xã hội.
– Bình luận: Tham gia bình luận có giá trị trong các blog chuyên ngành.
– Chia sẽ: Chia sẽ nội dung có giá trị trên blog hay kênh của người khác.
Cuối cùng, Lắng nghe và theo dõi:
Tin tức: Lưu trữ các bài viết về bạn trên mạng.
– Sự phê phán: Lắng nghe và ứng xử các phê bình một cách chuyên nghiệp.
– Theo dõi: Theo dõi và ghi nhận lại các hoạt động xây dựng thương hiệu cá nhân của bạn
Bên cạnh việc xây dựng hình ảnh và thương hiệu bản thân trên không gian số, bạn cần không ngừng xây dựng và phát triển tiềm năng của bản thân, đó chính là giá trị cốt lõi để duy trì và nâng tầm thương hiêu bản thân bạn. Hãy thử sức với việc trải nghiệm ở những lĩnh vực mới mẻ, trau dồi kiến thức chuyên môn và kỹ năng mềm, ngoại ngữ hay học hỏi thêm về công nghệ số, viết lách,…Hình ảnh, logo có thể là thứ được sáng tạo, tô vẽ nên nhưng giá trị con người bạn sẽ là nền tảng cốt lõi lan tỏa những giá trị tích cực tới cộng đồng xã hội.
Xây dựng thương hiệu cá nhân trên internet thành công bạn sẽ có vô số cơ hội và tiềm năng để kinh doanh những sản phẩm, dịch vụ của chính mình. Tất nhiên đó không phải là một công việc dễ dàng, bạn cần kiên trì, cần nhất quán và đôi khi cần đánh đổi và dám bước ra khỏi vùng an toàn của chính mình.
HRDC sưu tầm và tổng hợp.
Nguồn: www.freshbrand.vn/Tapchitaichinh.vn
HRDC – Đào tạo:
Public: Ms Thanh Hiền – SĐT: 0384 212 668 – Email: thanhhien@hrdc.com.vn
Inhouse: Mr Hưng – SĐT: 0983 599 384 – Email: doquanghung@hrdc.com.vn
HRDC – Nhân Sự:
Ms Linh Đan – SĐT: 0332 595 568 – Email: linhdan@hrdc.com.vn