HRDC chia sẻ 04 sai lầm chết người của sếp
khi giao việc
Một số nhà quản trị có những thói quen rất tai hại khi giao nhiệm vụ cho nhân viên của mình. Điển hình là bốn sai lầm sau đây có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng.
1. Không mô tả rõ ràng và chi tiết công việc, không yêu cầu nhân viên nhắc lại những việc họ phải làm.
Thực tế, có những quản lý cấp trung không thực sự hiểu mình đang giao công việc gì, chỉ đơn thuần là trình bày lại yêu cầu của cấp trên. Họ không xem xét kỹ công việc mình sẽ giao, không rõ mức độ quan trọng hoặc khó khăn của công việc. Tất yếu là họ sẽ giao công việc một cách chung chung. Điều đó sẽ gây khó khăn cho nhân viên. Bởi nhân viên thường không dám hỏi lại vì sợ bị đánh giá là kém năng lực. Nhân viên sẽ đoán mò mà hành động, làm việc cầm chừng chờ chỉ thị tiếp theo của sếp. Và nếu không gây hậu quả nghiêm trọng thì hiệu suất công việc cũng sẽ rất tệ, lãng phí nhiều nguồn lực của công ty.
Một số lãnh đạo có giải thích công việc cụ thể và chi tiết, tuy nhiên khi kết thúc họ chỉ hỏi “hiểu chưa”. Hầu hết nhân viên sẽ trả lời “hiểu rồi”, có thể họ chưa hiểu nhưng vì sợ lãnh đạo coi thường, tai hại hơn, họ tưởng mình đã hiểu nhưng thực chất lại hiểu sai vấn đề. Hãy yêu cầu nhân viên nhắc lại công việc họ sẽ phải làm, điều đó giúp lãnh đạo chắc chắn người được giao hiểu đúng, chính xác công việc được giao (hay đã hiểu sai vấn đề).
2. Không nói rõ tiêu chuẩn chất lượng, mức độ cấp thiết và thời hạn hoàn thành công việc.
Thường thì một nhân viên sẽ có khá nhiều công việc phải làm tại một thời điểm nhất định, rất có thể khi sếp giao một việc mới thì anh ta đang bận tâm vào một dự án khác. Việc sếp không chỉ rõ mức độ cấp bách của công việc mới được giao và thời hạn hoàn thành công việc thì rất có thể nhân viên sẽ mặc định công việc giao trước phải hoàn thành trước. Thậm chí sẽ có nhân viên mặc định là công việc đó “không có thời hạn”, “khi nào làm xong thì báo cáo”. Không nói rõ kỳ vọng về kết quả công việc cho nhân viên, dẫn đến các khả năng: một là nhân viên tự đặt ra kỳ vọng cao quá, hai là làm đại khái cho xong việc, ba là: vừa làm vừa hỏi sếp!
3. “Giao việc xong quên” – không kiểm tra, giám sát công việc.
Hậu quả là nhân viên lơ là công việc, hoặc ngược lại, họ quá tự tin và xông xáo trong công việc dẫn đến tùy ý quyết định vượt thẩm quyền, hoặc họ bị vướng mắc nhưng e ngại sếp nên tự mình loay hoay tìm cách tháo gỡ.
Lãnh đạo phải thường xuyên kiểm tra tiến độ thực hiện công việc đã giao, đưa ra phản hồi kịp thời về tiến độ, chất lượng nội dung đã hoàn thành, tháo gỡ những nút thắt trong công việc.
Tuy nhiên, hãy xác định thời điểm phù hợp, lựa chọn cách hỏi hợp lý, ví dụ: “ Tiến độ công việc thế nào, anh có gặp khó khăn vướng mắc gì không?”. Tránh gây áp lực không cần thiết cho nhân viên, khiến nhân viên bị phân tán hoặc có cảm giác không được tin tưởng.
4. Không tổng kết đánh giá kết quả công việc.
Nhiều nhân viên thực sự rất nỗ lực để hoàn thành công việc được giao, vượt tiến độ và chất lượng. Nhưng khi giao kết quả cho sếp thì không nhận được chút phản hồi, đánh giá nào. Họ cũng chẳng có dịp để trình bày về những khó khăn vướng mắc họ đã phải trải qua. Không nhận được những sự động viên khích lệ đúng mức khiến họ cảm thấy nỗ lực của mình không được cấp trên ghi nhận, về lâu dài sẽ làm sụt giảm tinh thần làm việc của nhân viên.
Bởi vậy: Khi kết thúc một công việc nên có sự tổng kết đánh giá, nội dung bao gồm: những điểm đã hoàn thành tốt, những điểm cần cải thiện và những điều có thể học hỏi từ công việc đó. Kèm theo là sự ghi nhận những cố gắng của nhân viên, động viên họ khắc phục những hạn chế, khích lệ họ phát huy năng lực của mình trong những công việc tiếp theo.
HRDC chúc bạn thành công trong cuộc sống và công việc.
CÔNG TY CP TƯ VẤN GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN NGUỒN NHÂN SỰ – HRDC
- Địa chỉ: Toà nhà Việt Á – Số 9 Duy Tân – Phường Dịch Vọng Hậu – Cầu Giấy – Hà Nội
- Hotline hỗ trợ: 0866 566 366/ 0326 521 587
- Email: connect@hrdc.com.vn