Gamification và ứng dụng Gamification
trong đào tạo (Phần 2)
3. Năm bước ứng dụng Gamification trong đào tạo hiệu quả.
Bước 1: Xác định được người tham gia và bối cảnh thực hiện Gamification
Bước đầu tiên và cực kỳ quan trọng trong việc ứng dụng thành công Gamification trong đào tạo chính là xác định chính xác đối tượng học viên của bạn là ai? Độ tuổi của học viên? Lĩnh vực hoạt động? Trình độ, kinh nghiệm như thế nào?
Trong hoàn cảnh nào thì trò chơi được sử dụng phù hợp với định hướng truyền tải nội dung của giảng viên? Nắm rõ hoàn cảnh sẽ dễ dàng giúp bạn xác định được quy mô của trò chơi, số lượng người tham gia, thời gian diễn ra, địa điểm, và những kỹ năng cần thiết cho quá trình chơi,.
Hạn chế ứng dụng Gamification trong đào tạo vào các thời điểm không phù hợp. Ví dụ thời điểm gần bữa trưa, hầu hết các học viên ở thời điểm này đang trong trạng thái đói và thiếu khả năng tập trung hoặc kiên nhẫn trong quá trình học, vì vậy mà có thể dẫn đến kết quả học tập không hiệu quả.
Bước 2: Xác định mục tiêu của chương trình giảng dạy
Người tạo ra trò chơi phải hiểu được mục tiêu của chương trình đào tạo để có thể thiết kế, chuẩn bị, sắp xếp các trò chơi phù hợp trong giảng dạy.
Bước 3: Sắp đặt vị trí các yếu tố trò chơi trong chương trình đào tạo
Thiết lập các giai đoạn tương tự với quá trình xây dựng kỹ năng cần đạt được của học viên. Để đến được kết quả thì họ cần phải vượt qua giai đoạn này.
Bạn có thể nhấn mạnh điều này bằng cách cấu tạo những yêu cầu, nhiệm vụ nào đó như một điều kiện tiên quyết để giành chiến thắng hoặc đạt được yêu cầu của người đào tạo.
Bước 4: Xác định nguồn tư liệu Gamification trong đào tạo
Sử dụng các trò chơi trực tuyến có sẵn bằng cách tìm nguồn tư liệu về nó: tìm các bài viết hướng dẫn trên mạng, các video clip, …
Trong trường hợp không có dữ liệu trò chơi có sẵn nào phù hợp với kế hoạch giảng dạy của bạn thì bạn có thể tự sáng tạo trò chơi riêng để mang lại hiệu quả cao hơn, phù hợp với mục tiêu truyền tải kiến thức của mình.
Bước 5: Thực hiện chiến lược đào tạo thông qua Gamification
Có thể dùng cách trình bày biểu đồ quá trình và điểm mà các học viên đạt được trong các giai đoạn tham gia, nhìn vào đó họ sẽ tự so sánh để có thể thấy được khả năng, năng lực, và từ đó tự đấu tranh để nâng cao bản thân mình tiến bộ hơn.
Để kết hợp chơi và học trong một cách cực kỳ gây hứng thú với học sinh nhất là phải có phần thường. Quà thưởng sẽ là cách tốt nhất để khuyến khích học sinh không ngừng phấn đấu và thể hiện bản thân mình. Phần thưởng đa dạng và có tính ứng dụng thực tế sẽ thúc đẩyđộng lực của học viên hơn.
4. Mẹo xử lý các tình huống bất trắc khi sử dụng Gamification trong đào tạo.
Điều khiển trò chơi cần phải có nghệ thuật. Nghệ thuật đó đòi hỏi khả năng xử lý tình huống thường diễn ra trong các cuộc chơi. Sau đây là một số kinh nghiệm trong giải quyết các tình huống nằm ngoài lộ trình trò chơi.
1. Bắt đầu trò chơi tập thể mất trật tự, thiếu tập trung chú ý.
Tình huống này thường gặp ngay trong đầu các buổi học, khi có một chủ đề nóng để bàn luận trước đó. Để tạo sự chú ý ban đầu, người chủ trì Gamification (giảng viên) có thể:
- Sử dụng các âm thanh hay hành động lớn, khác thường hay đã quy ước để thu hút sự chú ý từ học viên .
- Nhờ đến sự trợ giúp từ trợ giảng để giải quyết các vấn đề trong các nhóm.
- Sử dụng nhóm “thành viên tích cực” (ngay từ đầu đã trật tự chăm chú lắng nghe) làm nòng cốt cho trò chơi đơn giản. Khi đó những người khác buộc phải dừng các việc riêng khác, tò mò quan sát, sau đó sẽ tự nguyện nhập cuộc.
- Hát ngay một bài hát (không cần giới thiệu) rất tự nhiên và tỏ vẻ say sưa, từ đó tạo sự chú ý cho mọi người…
2. Không khí nặng nề trầm lắng, người chơi rụt rè, thiếu mạnh dạn.
- Nếu thực hiện ngay trò chơi sẽ dễ dàng thất bại. Nên công việc cần thiết của người dẫn trò (giảng viên) là thay đổi không khí trước khi chơi bằng cách nói thật to, cùng nhau hát một bài hát, tạo ra những tiếng reo hò … trước khi bắt đầu trò chơi.
- Chọn trò chơi Gamification không quá “bạo dạn”.
- Tăng từ từ kịch tính của trò chơi từ dễ đến khó để học viên có thời gian thích nghi với luật chơi.
- Sử dụng nhóm học vên tích cực đồng thời bản thân người dẫn trò cũng luôn luôn cố gắng làm chủ không khí cuộc chơi.
3. Người chơi nhiệt tình nhưng có sự ganh đua mãnh liệt giữa các nhóm chơi.
Trước hết quản trò phải nhanh chóng phát hiện nguyên nhân. Thông thường là do luật chơi không chặt chẽ, quản trò thưởng phạt không công minh, người chơi khích bác chê bai nhau…
Sau khi phát hiện đúng nguyên nhân, quản trò công khai tuyên bố trước mọi người, rồi mới tiếp tục trò chơi cũ hoặc chuyển sang trò chơi mới và bắt đầu bằng những quy ước chặt chẽ, cặn kẽ hơn.
Linh hoạt thay đổi trò chơi hay phương pháp điều khiển để tạo điều kiện cho nhóm nào cũng có thể thắng cuộc. Khi cuộc chơi ở mức cao trào, có thể chuyển sang hình thức hoạt động khác tạo sự hòa hợp giữa các nhóm.
4. Người chơi mệt mỏi và bắt đầu tỏ vẻ chán chường.
Có nhiều nguyên nhân gây ra vấn đề này như:
- Trò chơi quá khó, cuộc chơi quá dài hay luật chơi bắt mọi người phải lặp đi lặp lại nhiều động tác đứng lên, ngồi xuống, thay đổi vị trí…
- Trò chơi đơn điệu, không hấp dẫn, không phù hợp.
- Người quản trò chưa có kĩ năng tốt.
Từ những nguyên nhân cụ thể mà quản trò chọn biện pháp xử lý thích hợp. Nhưng nói chung có thể chọn một trò chơi thật nhẹ nhàng, hấp dẫn hay một bài hát tập thể để chấm dứt cuộc chơi hay chuyển sang một trò chơi khác thú vị hơn. Đồng thời, người dẫn trò cần học hỏi thêm kĩ năng vì tất cả trò chơi đều có tác dụng tốt nếu như biết sử dụng đúng điều kiện và kĩ năng tổ chức trò chơi tốt.
5. Không khí trầm lắng thiếu sôi nổi.
Đây cũng là tình huống thường gặp trong các buổi họp mặt hay trên đường đi tham quan, dã ngoại,trong các buổi offline .Đây là lúc “gamification” phát huy tác dụng lớn nhất. Để tạo ra một hiệu ứng tốt, trước tiên người dẫn trò phải là người giữ được tinh thần tốt, có năng lượng cao. Tiếp đó chọn một “gamification” phù hợp để tạo sự hứng thú cao nhất từ người chơi như các trò chơi liên quan đến hoạt động mạnh, tạo ra các âm thanh lớn hay các trò chơi liên quan đến hát hò ….
6. Người chơi đề nghị thực hiện những trò chơi ngoài dự kiến.
Trong trường hợp này, quản trò nhanh chóng khéo léo thực hiện đề nghị đó, xem như đó cũng là trò chơi được dự định từ trước (nếu quản trò hiểu rõ những trò chơi đó). Cũng có thể khéo léo giới thiệu ngay người đề nghị sẽ điều khiển trò chơi cho tập thể, khi đó mình đóng vai “quản trò phụ”.
Gamification đã và đang tạo nên rất nhiều đột phá trong các lĩnh vực từ thiết kế sản phẩm, kinh doanh, quản lý, chính sách xã hội và đặc biệt là Gamification trong đào tạo. Việc vận dụng cơ chế Gamification là một lựa chọn tối ưu giúp tạo động lực và thu hút sự tham gia cao hơn từ học viên. Để đạt được hiệu quả tốt nhất, Gamification luôn cần sự nỗ lực, kết nối và sử dụng linh hoạt giữa học viên và giảng viên điều phối.
Ngoài ra, anh, chị có thể tham khảo thêm nội dung bài viết:
- Mô hình R.O.I trong đánh giá hiệu quả sau đào tạo
- Mô hình Kirkpatrick trong đánh giá hiệu quả sau đào tạo
- Quản trị sự thay đổi trong doanh nghiệp
HRDC sưu tầm và chia sẻ.
CÔNG TY CP TƯ VẤN GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN NGUỒN NHÂN SỰ – HRDC
- Địa chỉ: Toà nhà Việt Á – Số 9 Duy Tân – Phường Dịch Vọng Hậu – Cầu Giấy – Hà Nội
- Hotline hỗ trợ: 0866 566 366/ 0326 521 587
- Email: connect@hrdc.com.vn