03 năng lực tạo nên lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp?
Điều gì tạo nên một doanh nghiệp thành công?
Theo HRDC câu trả lời có thể là một sự kết hợp, chẳng hạn như:
- Thị phần mạnh, quy mô phù hợp,
- Sở hữu trí tuệ và năng lực sáng tạo,
- Tập trung vào khách hàng và đội ngũ tận tâm.
Tuy nhiên, theo John Kay, có 3 nguồn năng lực chính giúp dự đoán thành công của một tổ chức. Công cụ này giúp bạn xác định và củng cố 3 nguồn lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp.
Khung năng lực khác biệt của Kay
John Kay, giáo sư kinh tế trường Kinh doanh London, phát triển “Khung năng lực khác biệt” và công bố nó trong cuốn sách “Foundations of Corporate Success” năm 1993.
Kay tạo ra mô hình này sau nhiều năm nghiên cứu nguồn gốc tạo ra sự thành công của các công ty. Sau khi phỏng vấn nhiều nhà lãnh đạo doanh nghiệp thành công nhất trên thế giới và phân tích tình huống lịch sử, cũng như thu nhập của doanh nghiệp. Ông kết luận rằng:
“Thành công phụ thuộc vào chất lượng mối quan hệ mà doanh nghiệp tạo ra với nhân viên, cổ đông, khách hàng và nhà cung cấp.”
Khi được xây dựng đúng, những mối quan hệ này trở thành nguồn lực bền vững và lâu dài tạo nên lợi thế cạnh tranh cho công ty.
Theo Kay, các tổ chức không thể thành công trong dài hạn bằng cách bán hàng tốt hơn hoặc bằng cách sản xuất những sản phẩm tốt hơn hoặc bằng những quy trình tốt hơn đối thủ cạnh tranh, vì những cách tiếp cận này có thể được sao chép một cách dễ dàng. Để thành công trong dài hạn, họ phải sử dụng ít nhất một trong ba năng lực khác biệt.
Ba năng lực đặc biệt là:
1. Mối quan hệ: Điều này đề cập đến hệ thống các mối quan hệ của doanh nghiệp. Đó có thể là mối quan hệ với: Nhân viên, Nhà đầu tư, Nhà cung cấp, Khách hàng hoặc với các Đối tác khác…
Kết cấu của hệ thống này, giống như một hệ sinh thái của doanh nghiệp. Nếu các mối quan hệ tốt đẹp sẽ tạo ra các lợi ích như: Giao tiếp hiệu quả, Học hỏi nhanh chóng và Phản ứng linh hoạt để thay đổi. Điều này làm cho doanh nghiệp nhanh nhẹn hơn và có nghĩa là nó có thể nhanh chóng tận dụng các cơ hội mới.
2. Danh tiếng: Là cách mọi người nhìn nhận về doanh nghiệp của bạn. Ngày nay, chúng ta thường gọi đó là “Hình ảnh Thương hiệu”.
Nếu công ty bạn có danh tiếng tốt, bạn có thể xây dựng mối quan hệ tốt – đây thường là điều mà đối thủ cạnh tranh khác không có. Phải mất thời gian để xây dựng danh tiếng, nhưng bạn có thể làm điều này bằng cách:
- Quan tâm cải thiện chất lượng sản phẩm/dịch vụ;
- Thể hiện tính toàn vẹn;
- Xây dựng văn hóa cởi mở, tích cực và hành xử một cách tôn trọng.
3. Đổi mới: Đây là quá trình tung một Sản phẩm/dịch vụ mới ra thị trường và đạt được lợi thế cạnh tranh bằng cách làm như vậy. Năng lực này gặp khó khăn nhất, bởi vì nó rất dễ bị sao chép. Vì vậy, thường thì năng lực mối quan hệ tạo ra thành công dài hạn hơn, chứ không phải là đổi mới.
Chúng ta sẽ thảo luận chi tiết từng khả năng riêng biệt này dưới đây.
Cách sử dụng Khung năng lực khác biệt của Kay
3 năng lực riêng biệt này là duy nhất và rất khó xây dựng, đó là lý do tại sao chúng rất quan trọng.
Nếu bạn có thể xây dựng và sử dụng thành công các yếu tố này, bạn sẽ có lợi thế khác biệt so với các đối thủ cạnh tranh. Bởi vì chúng không dễ dàng sao chép, mua hoặc thay thế.
Chú thích:
Khung năng lực của Kay là một trong số các cách tiếp cận mà bạn có thể sử dụng để giúp doanh nghiệp nổi bật hơn so với các đối thủ cạnh tranh. Các công cụ khác, chẳng hạn như phân tích USP và phân tích năng lực cốt lõi, cũng có thể giúp bạn tạo ra sự khác biệt cho tổ chức.
Áp dụng mô hình
Chúng ta hãy xem xét từng nguồn năng lực một cách chi tiết và thảo luận làm thế nào bạn có thể củng cố từng yếu tố trong doanh nghiệp.
1. Cấu trúc mối quan hệ
Cấu trúc của tổ chức bạn được xây dựng dựa trên mối quan hệ tồn tại giữa nhân viên, cổ đông, khách hàng và nhà cung cấp. Về cơ bản, bạn tiếp cận các mối quan hệ này từ quan điểm dài hạn và bạn nuôi dưỡng chúng, có nghĩa là bạn xây dựng chúng dựa trên sự tin cậy, tôn trọng lẫn nhau và cam kết.
Văn hoá doanh nghiệp của tổ chức phản ánh kết cấu này và điều này ảnh hưởng đến việc mọi người chia sẻ kiến thức một cách dễ dàng và hiệu quả ra sao, cũng như toàn bộ đội ngũ phản ứng thế nào với sự thay đổi của hoàn cảnh .
Làm thế nào tăng cường cấu trúc mối quan hệ?
Để xây dựng mối quan hệ nội bộ và bên ngoài tốt nhất, bạn cần có đội ngũ nhân viên tuyệt vời và các đối tác kinh doanh tuyệt vời.
Tìm hiểu các kỹ năng mà bạn cần để tuyển dụng những người tốt nhất cho công ty và sử dụng các công cụ như 10 tiếu chí lựa chọn nhà cung cấp để chọn được nhà cung cấp tốt nhất.
Khi bạn chọn những người tốt nhất, hãy đảm bảo mỗi người đều tham gia đầy đủ bằng cách tập trung xây dựng tinh thần, giúp họ phát triển và tạo động lực cho họ. Nhấn mạnh tầm quan trọng đóng góp của mọi người cho nhóm: mỗi thành viên trong nhóm nên hiểu rằng thành công của nhóm quan trọng hơn chiến thắng cá nhân.
Sử dụng Mạng lưới Văn hoá và Khung giá trị cạnh tranh để phân tích văn hóa doanh nghiệp hiện tại của bạn. Liệu nó có hỗ trợ cho nhân viên hay làm cản trở hiệu suất của họ? Nếu văn hóa hiện tại của bạn không tích cực và không trao quyền, .hãy bắt đầu các bước thay đổi nó nhằm mục đích phản ánh giá trị cốt lõi của tổ chức. Mục tiêu của bạn là tạo ra một nền văn hoá mà mọi người muốn trở thành một phần của nó.
Mọi người trong tổ chức nên có kiến thức cần thiết để trở nên vượt trội. Đảm bảo rằng các thành viên trong nhóm chia sẻ thông tin thiết yếu. Quản lý kiến thức, sử dụng các cuộc họp nhóm để giữ sự kết nối mở và làm mọi việc trong khả năng của bạn để hỗ trợ đội nhóm bằng đào tạo hoặc các nguồn lực bổ sung khác.
Niềm tin là một yếu tố quan trọng trong cấu trúc mối quan hệ của tổ chức. Xây dựng niềm tin với nhóm và với các đối tác kinh doanh bằng cách giúp mọi người quen biết nhau và đảm bảo rằng bạn là một tấm gương tốt. Các thành viên trong nhóm càng tin tưởng bạn và tin tưởng lẫn nhau, công ty bạn càng làm việc hiệu quả hơn.
Cấu trúc của tổ chức cũng phụ thuộc vào các mối quan hệ bên ngoài, chẳng hạn như với khách hàng và nhà cung cấp. Hãy suy nghĩ cẩn thận về hai nhóm này.
Bạn có thể làm gì để tăng cường mối quan hệ này? Bắt đầu bằng việc sử dụng bản đồ Trải nghiệm Khách hàng để tìm hiểu xem khách hàng nghĩ gì tổ chức bạn. Xem xét sử dụng khảo sát khách hàng và theo dõi các phương tiện truyền thông xã hội để có được cái nhìn sâu sắc hơn về những điều mà khách hàng nghĩ. Sau đó, cải thiện các mối quan hệ bằng cách tập trung vào việc nâng cao chất lượng và dịch vụ khách hàng.
Hãy suy nghĩ về chất lượng mối quan hệ với nhà cung cấp, cả mức độ lịch sự mà bạn thể hiện và bạn có cung cấp thanh toán kịp thời cho nhà cung cấp hay không.
2. Danh tiếng
Danh tiếng phản ánh những suy nghĩ của người khác về công ty và họ tin tưởng công ty của bạn đến mức nào.
Một số yếu tố ảnh hưởng đến danh tiếng, bao gồm: Trải nghiệm của khách hàng, Bảo hành hoặc Cam kết, Chất lượng sản phẩm, phương tiện truyền thông xã hội, truyền miệng, quảng cáo trực tuyến và lịch sử của tổ chức.
Một lợi ích quan trọng của việc xây dựng danh tiếng tốt là nó cho phép bạn xây dựng mối quan hệ độc đáo, mà các tổ chức có danh tiếng kém hơn không có được.
Làm thế nào tăng cường Danh tiếng cho tổ chức?
Người ra thường nói rằng có thể mất cả đời để xây dựng danh tiếng và chỉ mất vài giây để đánh mất nó.
Không có cách nào nhanh chóng để cải thiện danh tiếng của tổ chức, đó là lý do tại sao bạn cần xây dựng nó một cách vững chắc, nhất quán và bảo vệ nó một cách cẩn thận.
Bắt đầu bằng cách tìm hiểu danh tiếng hiện tại của tổ chức bạn. Công ty bạn được biết đến với cái gì? Mọi người tin tưởng vào điều gì ở tổ chức bạn.
Nếu bạn không chắc chắn, hãy tiến hành phân tích USP; Thường thì thế mạnh lớn nhất của tổ chức sẽ thúc đẩy danh tiếng của nó.
Chất lượng là một yếu tố quan trọng tạo nên danh tiếng của tổ chức. Bạn nhận được phản hồi gì từ khách hàng? Bạn có thể cải thiện sản phẩm hoặc dịch vụ ra sao để giải quyết khiếu nại đó?
Để xây dựng danh tiếng cho tổ chức, điều quan trọng là tập trung vào giá trị, dịch vụ khách hàng, hoàn phí và bảo hành cũng như nhiều yếu tố khác. (Nếu bạn gặp vấn đề trong lĩnh vực này, hãy sử dụng các phương pháp tiếp cận như 6 Sigma – Phương pháp quản trị chất lượng hoặc Quản lý chất lượng tổng thể để nâng cao chất lượng cung cấp của bạn.)
Ngoài việc này, tổ chức bạn cần phải cư xử một cách tôn trọng và cần phải làm hết sức mình để trở thành một “công ty’ tốt.
3. Đổi mới
Đổi mới nhanh chóng thu hút nhiều người bắt chước, đó là lý do tại sao khả năng cuối cùng này sẽ khó khăn nhất để duy trì thành công trong một thời gian dài. Do đó, điều quan trọng là phải làm việc chăm chỉ để phát triển và bảo vệ Đề xuất bán hàng độc đáo và Năng lực cốt lõi của bạn, khiến đối thủ cạnh tranh khó theo kịp.
Tuy nhiên, Kay nhấn mạnh rằng, thông thường, chỉ có bằng sáng chế, luật sở hữu trí tuệ và các hợp đồng pháp lý mới có thể bảo vệ sự đổi mới theo thời gian.
Khi xem xét đổi mới, điều quan trọng là không nên chỉ tập trung vào các sản phẩm và dịch vụ; Tổ chức bạn có thể đổi mới theo nhiều cách. Ví dụ: bạn có thể tìm các cách mới để tìm kiếm và thu hút các tài năng hàng đầu hoặc giải quyết khiếu nại của khách hàng một cách tích cực, để lại ấn tượng tốt với khách hàng. Những đổi mới này thường gần gũi hơn với năng lực cấu trúc, bởi vì bạn đang sử dụng chúng để tăng cường mối quan hệ. (Các mối quan hệ đổi mới thường dễ dàng để duy trì thành công trong dài hạn hơn so với các nguồn đổi mới khác).
Làm thế nào xây dựng sự đổi mới?
Kay tuyên bố rằng đổi mới thành công nhất khi nó gắn với văn hóa tổ chức. Điều này có nghĩa là tổ chức bạn coi sự đổi mới là một giá trị cốt lõi và nó thực hiện mọi việc cần thiết để hỗ trợ và khuyến khích khả năng này.
Google là một ví dụ điển hình của một công ty hỗ trợ đổi mới. Tổ chức này cho phép mọi nhân viên dành 20 phần trăm thời gian làm việc của họ – hoặc một ngày một tuần – cho các dự án phụ của họ. Công ty có những quy trình khắt khe để tìm ra những dự án tốt nhất và tất cả những người được tuyển dụng đều cảm thấy thoải mái với sự thay đổi và có thể thích ứng linh hoạt với các dự án và sáng kiến mới.
Có một số bước bạn có thể thực hiện để hỗ trợ sự đổi mới thực tế trong tổ chức. Việc đưa ra các giải thưởng hay chương trình khuyến khích là một cách tuyệt vời để khuyến khích mọi người bắt đầu đưa ra các ý tưởng sáng tạo.
Điều quan trọng là đổi mới hoặc giải pháp giải quyết các nhu cầu kinh doanh phải rõ ràng; Quy trình Đổi mới Bốn Bước là một khuôn khổ hữu ích để đổi mới trong bối cảnh kinh doanh và 10 Loại Đổi mới của Doblin giúp bạn khám phá nhiều lĩnh vực mà bạn có thể đổi mới, ngoài việc phát triển sản phẩm.
Ngoài ra, hãy đảm bảo rằng bạn có các quy trình và công cụ phù hợp để quản lý ý tưởng hiệu quả. Ví dụ, khuyến khích chia sẻ ý tưởng, để mọi người biết rằng tất cả các ý tưởng sẽ được xem xét và thưởng xứng đáng. Xem xét sử dụng mạng xã hội hoặc diễn đàn mạng nội bộ của công ty để khuyến khích mọi người gửi ý tưởng mới và chia sẻ ý tưởng của họ với người khác.
Những điểm chính
John Kay đã phát triển Khung Năng lực đặc biệt và xuất bản nó trong cuốn sách năm 1993 của ông, “Foundations of Corporate Success.” Mô hình xác định ba nguồn năng lực đặc biệt cần thiết cho sự thành công của tổ chức. Ba nguồn này là:
- Mối quan hệ.
- Danh tiếng.
- Đổi mới.
Mô hình này rất hữu ích vì nó giúp bạn hiểu sâu hơn về 3 yếu tố trên. Bạn có thể sử dụng thông tin này để định hình chiến lược kinh doanh và tăng cường nguồn lực trong tổ chức.
HRDC rất mong những chia sẻ trên đây hữu ích đối với bạn. Chúc bạn thành công.
HRDC sưu tầm/chia sẻ.
CÔNG TY CP TƯ VẤN GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN NGUỒN NHÂN SỰ – HRDC
- Địa chỉ: Toà nhà Việt Á – Số 9 Duy Tân – Phường Dịch Vọng Hậu – Cầu Giấy – Hà Nội
- Hotline hỗ trợ: 0866 566 366/ 0326 521 587
- Email: connect@hrdc.com.vn